Có vẻ như càng ngày xe Trung Quốc càng tạo được hiệu ứng tốt tại Việt Nam. Một số mẫu xe về nước gần đây đã gây được tiếng vang khiến nhiều người chú ý. Riêng tại phân khúc Crossover cỡ C, có sự xuất hiện đông đảo những mẫu xe đến từ Trung Quốc. Đó là Zotye Z8, Brilliance V7, Baic Q7, MG HS và mới đây nhất là Beijing X7.
Xe Trung Quốc thế hệ mới có thiết kế đẹp giống xe châu Âu, ngập tràn công nghệ, trong khi giá bán lại rẻ. Nhiều người không khỏi choáng khi trải nghiệm những những mẫu xe Trung Quốc mới nhập về. Mặc dù được phát triển hoàn toàn tại Trung Quốc, kể cả động cơ lẫn hộp số, nhưng có nhiều công nghệ hiện đại.
Mặc dù có doanh số bán rất thấp nhưng ô tô Tàu vẫn không từ bỏ thị trường Việt Nam. |
Chẳng hạn, trên nhiều mẫu ô tô Trung Quốc, toàn bộ các nút bấm đều là cảm ứng. Muốn chỉnh âm thanh to, nhỏ, giờ chỉ cần vuốt nhẹ ngón cái ngay trên phím cảm ứng tích hợp trên vô lăng, khá nhạy và tiện lợi hơn hẳn bấm nút.
Camera toàn thân xe cũng rất ấn tượng, mỗi khi vào cua đều có thể quan sát rõ thân xe và phần đường bên cua, không bị “mù” như đa số các mẫu xe hiện nay nên rất an toàn. Tay nắm cửa thiết kế chìm, tự động lồi ra khi mở cửa; hệ thống chỉ đường và liên lạc giữa các xe, nhận diện khuôn mặt,… cùng một loạt trang bị an toàn, trong đó có đỗ xe tự động và hỗ trợ tắc nghẽn giao thông, tự động ghép xe vào hàng, phanh tay điện tử tự động, hỗ trợ chân phanh,…
Hiện tượng mang tên Beijing X7 đang gây chú ý nhiều nhất. Với mẫu xe này, số lượng khách hàng đặt mua lên tới hàng trăm chiếc, dự báo sẽ sớm vượt qua doanh số cộng dồn của mẫu Zotye Z8 mấy năm qua. Trong số đó, không ít khách hàng là người giàu. Có cả đại gia đã từng phân phối xe sang chính hãng, vì thấy hấp dẫn nên cũng muốn làm “chuột bạch”.
Một khách hàng giàu có tại Hà Nội vừa mua Beijing X7 kể: “Nhiều người đang nói tôi là thừa tiền. Chỉ có thừa tiền thì mới bỏ ra 800 triệu đồng (cả đăng ký) để rước một con xe Tàu về phá, chứ không ai như vậy”.
Mặc dù vẫn còn những hạn chế như động cơ tăng áp có độ trễ khá lớn khi tăng tốc, hay một số cảm biến không nhạy,… Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng, xe Trung Quốc đang đổi mới rất nhanh. Câu nói “trả ít hơn, dùng nhiều hơn” trước kia dành để nói về xe Hàn khi so với xe Nhật và Đức, thì nay có lẽ sắp chuyển sang cho xe Trung Quốc.
Người tiêu dùng có quay lưng?
Thử tính, với chiếc Beijing X7 có giá bán 688 triệu đồng nhưng phải chịu thuế nhập khẩu 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt 35% và thuế giá trị gia tăng 10%, thì thuế đã chiếm khoảng 50% giá bán xei. Như vậy, giá thành sản xuất xe ước tính chỉ khoảng 300 triệu đồng.
Một doanh nghiệp ô tô cho biết, nếu ô tô sản xuất tại Thái Lan có chi phí thấp hơn Việt Nam 20% thì ô tô sản xuất tại Trung Quốc có chi phí thấp hơn Thái Lan cũng khoảng 20%. Như vậy so với Việt Nam, chi phí sản xuất xe Trung Quốc thấp hơn tới 40%.
Các mẫu xe đời mới liên tiếp được nhập về |
Hiện ô tô Trung Quốc vẫn bị người tiêu dùng Việt Nam quay lưng, cho là “thương hiệu Tàu”, rẻ tiền và nhiều công nghệ thì chất lượng sẽ không đáng tin cậy. Tuy nhiên, những mẫu xe mới sẽ là phép thử cho xe Trung Quốc. Sắp tới, còn những mẫu xe công nghệ nữa của Trung Quốc về Việt Nam, trong đó có cả xe điện lai xăng. Với dạng ô tô này, thuế tiêu thụ đặc biệt được ưu đãi chỉ với 15%.
Trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa ký kết, ô tô là mặt hàng được ưu đãi thuế. Mặc dù Bộ Tài chính chưa công bố lộ trình cụ thể và mức thuế giảm như thế nào, nhưng chắc chắn ô tô Trung Quốc sẽ được hưởng lợi thế khi xuất sang Việt Nam. Hiện xe Trung Quốc từ 2.5L trở xuống xuất sang Việt Nam đang phải chịu thuế nhập khẩu khoảng 70%, càng giảm xuống thì giá càng rẻ.
Các doanh nghiệp cho rằng, với công nghệ ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, thêm thời gian để người tiêu dùng Việt Nam trải nghiệm từ 3-5 năm nữa, hy vọng sẽ thay đổi cách nhìn về xe Trung Quốc.
Nếu vậy, đây sẽ là nỗi lo với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Các doanh nghiệp ô tô Việt Nam cần cho ra những sản phẩm có giá bán cạnh tranh và chất lượng tốt mới tồn tại được. Thời gian đang trôi nhanh, nếu không tận dụng được cơ hội trong khoảng 5 năm nữa, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ chẳng thể nào trụ nổi.
Trần Thủy